BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU
Từ khi được thành lập và đi vào hoạt động đến nay, thông qua cơ chế tiền tệ ưu đãi để người nghèo và các đối tượng chính sách có vốn làm ăn và trang trải các chi phí gắn với các hoạt động nghề nghiệp khác. Ngân hàng Chính sách xã hội hoạt động giao dịch tại xã đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ kịp thời để có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Để hoạt động tín dụng chính sách xã hội được triển khai dân chủ công khai, NHCSXH huyện Thanh Trì đã phối hợp với chính quyền địa phương mở và duy trì hoạt động 16 Điểm giao dịch ở các xã, thị trấn trên địa bàn, trong đó điểm giao dịch tại xã Vĩnh Quỳnh được tổ chức vào ngày 25 hàng tháng. Đây là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, mang tính đặc thù riêng của NHCSXH huyện, giúp tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác tại địa phương.
Trong ngày giao dịch, cán bộ NHCS được phân công theo dõi địa bàn, tham mưu cho Chủ tịch UBND xã phối hợp với các hội đoàn thể nhận uỷ thác và các thành phần liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương tín dụng chính sách để người dân hiểu rõ và chấp hành đúng các quy định, xử lý kịp thời các tồn tại ở cơ sở. Khi khách hàng đến trả nợ gốc, nhận tiền vay, gửi tiết kiệm hoặc có ý kiến, đề xuất liên quan đến các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai thực hiện trên địa bàn, thì cán bộ và nhân viên Ngân hàng kịp thời thực hiện tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi, quy định trong vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ gốc, lãi đúng kỳ hạn theo thỏa thuận.
Để phát huy vai trò thúc đẩy kinh tế nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Trì tiếp tục phối hợp với UBND xã Vĩnh Quỳnh, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay vốn, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen, tránh tái nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, đưa các tiêu chí Nông thôn mới kiểu mẫu đi vào chiều sâu bền vững. Tại điểm giao dịch, các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi và danh sách khách hàng đang vay vốn cũng như các thông tin về điều kiện, quy trình, thủ tục vay vốn của từng chương trình cho vay của NHCSXH đều được niêm yết công khai tại Bảng thông tin tín dụng chính sách, khách hàng giao dịch trực tiếp với NHCSXH để gửi tiền tiết kiệm, nhận tiền vay và trả nợ dưới sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội.
Đồng thời để người dân hiểu rõ hơn mục đích sử dụng nguồn vốn vay, tổ vay vốn thường xuyên tổ chức họp, hướng dẫn bà con thực hiện tốt các nguồn vốn cũng như mục đích sử dụng vốn vay, bám sát mô hình thực tế của bà con, tổ chức bình xét cho vay sát với tình hình thực tế. Các hội, đoàn thể cũng thành lập đoàn thẩm định dựa vào hồ sơ vay vốn của nhân dân để kiểm tra thực tế trước và sau vay, tránh lãng phí và thất thoát trong quá trình triển khai sử dụng vốn vay. Nhờ phát huy nguồn vốn có hiệu quả với các mô hình phát triển kinh tế, các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn đã ổn định cuộc sống và giảm nguy cơ tái nghèo, có hộ vươn lên làm giàu bằng những mô hình kinh tế hiệu quả. Chất lượng tín dụng luôn được quan tâm và cải thiện dần qua từng năm.
Duy trì họp giao ban vào cuối phiên giao dịch để đánh giá những kết quả thực hiện, giải quyết kịp thời những tồn tại vướng mắc, từ đó, đưa ra những phương hướng, giải pháp thực hiện cho tháng tiếp theo…
Nhờ tổ chức tốt các phiên giao dịch lưu động, thời gian qua, công tác tín dụng tại huyện Thanh Trì nói chung, và xã Vĩnh Quỳnh nói riêng đã phát huy được hiệu quả, chất lượng tín dụng được nâng lên, tăng khả năng thu nợ, giảm nợ quá hạn; chất lượng hoạt động ủy thác, hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn được nâng cao; hiệu quả hoạt động giao dịch của xã hàng năm được xếp loại Tốt. Công tác huy động tiền gửi tiết kiệm đạt kết quả khả quan. Thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tại các Điểm giao dịch xã; tăng cường rà soát, cập nhật các văn bản, quy định, chính sách mới tại các điểm giao dịch để người dân nắm bắt, tiếp cận các nguồn vốn vay nhanh chóng. Đồng thời, lồng ghép vốn tín dụng chính sách với các mô hình phát triển kinh tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật và các nguồn vốn khác để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn có hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống./